Diễn đàn 12A6-NTB
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.
Diễn đàn 12A6-NTB

Diễn đàn những người bạn đã từng chung lớp 10,11,12A6 Trường PTTH Nguyễn Thái Bình 1984-1987


You are not connected. Please login or register

Thường thức ... cuộc sống

+5
qhthai
ttha
nthao
ltdhung
nttuyen
9 posters

Chuyển đến trang : Previous  1, 2

Go down  Thông điệp [Trang 2 trong tổng số 2 trang]

51Thường thức ... cuộc sống - Page 2 Empty TÔI ĐI HỌC THIỀN Mon Jun 01, 2009 12:10 am

ltdhung

ltdhung

Diệu Đức

Tấp tểnh người đi tớ cũng đi
Cũng lều cũng chõng cũng đi . . . học thiền Vipassana.

Học để thanh lọc tâm, để nhìn thấy sư việc “đúng như thật”, để “biết mình” … như Đức Phật đã chỉ dạy cách đây hơn 2.500 năm, sao mà quá khó!

Ai cũng được học

Lời Phật dạy: ai cũng khổ và nỗi khổ không của riêng ai, nên 55 thiền sinh
chúng tôi (15 thiền sinh cũ đã học ít nhât 1 khóa 10 ngày) đến từ khắp nơi: trong nước, xa nhất là Hà Nội, Hải Phòng, Huế, Đà Nẵng, Huế…; nước ngoài thì có Mỹ, Pháp… tuổi đời từ 21 đến 74 và đủ các thành phần xã hội: học sinh, sinh viên, nông dân, công nhân, nhà khoa học, nhà văn, nha báo, nhà giáo, tu sĩ, đảng viên, đoàn viên, Phật giáo, ngoài Phật giáo…; có những cặp là vợ chồng, ba cha con, mẹ con, bà cháu, anh chị em, bạn bè 40-50 năm trước cùng dưới một mái trường nay cùng chung một thiền đường…

Đây la khóa thiền Vipassana tích cực 10 ngày lần thứ ba do Hội Vipassana Thế giới mà người đứng đầu là Thiền sư S.N. Goenka (VHPG đã giới thiệu trên nhiều số báo) và Hội Vipassana Việt Nam tổ chức tại Tịnh xá Ngọc Thành (Q. Thủ Đức TP.HCM), từ ngày 30.10 đến ngày 10,11.2008, Thiền sư Uduwana Ratanapala Thero (tu sĩ Phật giáo, người Sri Lanka) trực tiếp hướng dẫn. Khoá 1 và 2 được tổ chức tại chùa Nguyên Thủy (Q.2, TP.HCM) vào tháng 5.2008. Khóa 4 bắt đầu vào ngày 12.11, chấm dứt vào ngày 23.11.2008, tại Tịnh xá Ngọc Thành.

Gian khó cái sự học

Theo quy định khóa thiền (được thiền sinh nghiên cứu kỹ trước khi nộp đơn xin tham dự), các thiền sinh thức dậy từ 4 giờ sáng và ngủ lúc 9giờ 30 tối. Khoảng thời gian này có 5 giờ để vệ sinh cá nhân, ăn uống, nghỉ ngơi và không làm bất cứ việc gì khác ngoài ngồi thiền. Giữa 2 giờ ngồi thiền được giải lao 5 phút. Đặc biệt là 9 ngày đầu tuyệt đối giữ im lặng, không xúc chạm, không nhìn ngang liếc dọc…, một sự im lặng thánh thiện để luôn giữ cho tâm bình an, tĩnh lặng, quân bình…

Biết tôi hay lo, ông xã tôi dặn phải buông bỏ hết moi thứ trước khi vào cổng chùa. Tôi bắt đầu ngồi thiền với tâm thế hăng hái, hứng khởi, quyết tâm… Thế mà…

Ngày thứ nhất. Thở vào, tôi ý thức được hơi thở vào; thở ra, tôi ý thức được hơi thở ra. Vào – ra – vào – ra… Giữ sự chú tâm trong vùng dưới lỗ mũi và trên môi trên đâu chưa đươc 10 hơi thở là tôi từ thiền đường đã… về đến nhà Phan Xích Long, rồi ra tận Đà Nẵng, Huế, về Túy Vân quê hương và chẳng cần phi thuyền hỏa tiễn, tôi đã… bay sang Mỹ, Pháp, Úc… Ý thức được cái tâm hay lang thang của mình, tôi lại kéo nó về với hơi thở. Vào – ra – vào – ra chưa được 1 phút lại lo cây cối không ai tưới nước, của không khóa, bếp gas không tắt, Má đang bệnh, con gái sắp sinh…Đủ thứ hầm bà lằng kéo về trong cái tâm hay lăng xăng cua mình. Nhưng chừng được 40 phút thì cái tâm không lang thang nữa, nó về với 2 cái chân đang tê dần, đau đớn, khổ sở. Những giây phút cuối 1 giờ ngồi thiền trôi qua thật nặng nề. Tôi nhúch nhích, cựa quậy rồi he hé mắt nhìn người chung quanh để cái tâm tò mò, hơn – thua, tham đắm, chê bai trỗi dậy… Cuối cùng tiếng chuông báo hết giờ – tiếng chuông “giải thoát” – cũng đến. Tôi thở phào nhẹ nhõm.

Môt ngày, hai ngày, rồi ba ngày theo dõi hơi thở như thế trôi qua chậm chạp. Đến ngày thứ tư, chúng tôi học thiền Vipassana bằng cách quan sát cảm giác trên từng bộ phân cơ thể rồi toàn bộ cơ thể, từ cảm giác thô đến tinh tế với tâm luôn bình an, tĩnh giác…mà không tham đắm, chê bai, đối kháng. Ngày cuối cùng thiền tâm từ là thoải mái và hiệu quả nhất đối với tôi, một thiền sinh có lẽ kém cỏi nhất lớp, với cái tâm luôn vọng tưởng, đến ngày cuối mà chẳng có cảm giác một luồng luân lưu thông suốt nào trên cơ thể. (Con xin sám hối với Thiền sư và đại chúng. Nếu được học khóa sau chắc con không đến nỗi).

Ôi chao, cái sự học thiền sao mà quá khó so với việc học chữ, học nghề!

Học được gi?

Gian khó là thế, đau đớn là thế, kém cỏi là thế…! Thế mà khi được hỏi học được gì qua khóa thiền, tôi không ngần ngại trả lời: được, được nhiều thứ lắm!

Đó là những bài Kinh Phật với giọng đọc trâm hùng, thành kinh, đôi lúc nguyện cầu thiết tha; những lời hướng dẫn hành thiền cụ thể, rõ ràng, chi tiết trong mỗi giơ ngồi thiền của Thiền sư S.N. Goenka (tất cả đều qua đĩa CD). Đặc biệt là 11 bài pháp thoại vào các buổi tối, Thiền sư Goenka đã giảng những lới Phật dạy rất sâu sắc, với những ví dụ cụ thể, sinh động và cách nói lặp lại ở cuối đoạn rất hiệu quả, chứng tỏ Ngài Goenka không những là vị thiền sư nổi tiếng mà còn là nhà tâm lý, nhà sư phạm tài ba.

Đó là sự an nhiên tự tại, tâm từ bi của Thiền sư U. Ratanapala. Ngồi trên tòa cao, Thiền sư như một pho tượng uy nghiêm, hiền từ. Mỗi lần trình pháp hay nêu thắc mắc, được ngồi gần Thầy, tôi thấy như có luồng không khí mát mẻ dẽ chịu chung quanh. Nét mặt hoan hỷ, giọng nói đầy từ ái, Thầy chỉ dẫn cụ thể từng chút, từng chút. Hôm chia tay, Thầy từ tốn nói lời sám hối vơi chùa, với đại chúng làm cho tôi cảm thấy xâu hổ với “cái ngã mạn” của mình.

Đó là sự khiêm tốn, giản di, kiên trì của Sư bà Kiến Liên, trụ trì Tinh xá Ngọc Thành, là thiền sinh cũ của khóa tu này. Ngoài tấm gương sáng cho thiền sinh tu tập trong khóa thiền, Sư bà còn chạy ngược chạy xuôi dể xin giấy phép , lo đối nội đối ngoại, lo chỗ ăn ở cho hơn 70 người…Và dù đã 74 tuổi, lại la sư trụ trì nhưng mỗi lần nói trước đại chúng, Sư bà tự xưng minh là “trò”.

Đó là sự chu đáo, khoa học, an nhiên, tận tụy của anh chi Thảo Lan Đinh. Anh chi vừa là người tổ chức, điều hành, quản lý, phiên dịch và vừa là người phục vụ tròn trong tròn ngoài cho khóa thiền đạt kết quả tốt đẹp, dù thân mẫu anh qua đòi trước lúc khai mạc khóa thiền chỉ mới hơn 10 ngày: một bài học thực tế cho chúng tôi về sự không vướng mắc!

Đó là sự chịu khổ chịu khó, tính toán giỏi và đầy tư tâm của những người phục vụ khóa thiền (phải là thiền sinh cũ) như chị Thủy, Linh , Phương…; anh Nam, Hiếu…Dù công việc rất nặng nhọc, bận rộn, phải thức khuya dậy sơm hơn thiền sinh chúng tôi, phục vụ cho chúng tôi từng ly từng tý nhưng trên nét mặt các anh chị luôn tươi vui, đầy từ ái.

Đó là sự thương yêu, biết chia sẻ, cảm thông của những người bạn tu. Hơn 9 ngày dù không nói với nhau lời nào nhưng qua những ánh mắt đầy thương yêu, trìu mến, thân thiện… chúng ta đã “thấy và biết” như đang là về những điều này, phải không các anh chị?

Đó là anh Trần Văn Cảnh (định cư tại Pháp, làm việc ở Bộ Ngoại giao Pháp, đã nghỉ hưu), hiện nay anh đang hướng dẫn nghiên cứu sinh làm luận án tiến sĩ tại ĐH Nông Lâm TP.HCM, là thiền sinh cũ. Anh chia sẻ: “Tôi học thiền này bên Pháp, rất lợi lạc nên tôi xin tham dự tiếp khóa này. Nhà tôi dự khóa sau vì bận chăm Bà cụ. Khòa sau, tôi chăm Bà và xin phục vụ khóa thiên bán thời gian“. Phục vụ khóa thiền có nghĩa là bưng-bê-kê-dọn: bưng bàn kê ghế; lau dọn thiền đường, phòng ăn, phòng ngủ, phòng vê sinh; nấu cơm, nấu nước; lau chén lau bát; đánh chuông báo giờ, đem thuốc, đem nước đến tận tay người bệnh…với tâm từ luôn rông mở. Ôi! Có bài học nào cao quý hơn!

Nhiều năm qua, Thiền Vipassana đã đem lại lợi lạc cho hàng triệu người trên thế giới, đã có trên 100 trung tâm thiền của Thiền sư Goenka hoạt động khắp nơi và ngày càng phát triển. VHPG đã giới thiêu vấn đề này trên nhiều số báo. Bản thân tôi, do thiếu phước, thiếu Balamật, sơ cơ, vọng tưởng nên kết quả tu học không đáng kể. Xin nêu lên đây một nhân chứng như là “hình ảnh trực quan sinh động” trong việc tu tập, đó là Ph. B., người bạn học của tôi, người đã lặn lội sang Campuchia học Vipassana hơn 3 năm trước. Sau 1 năm mới gặp lại, Thầy Thích Nhuận Châu (dịch giả) nửa đùa (vui) nửa thật: Ồ! Anh B. lâu ngày quá! Thế mà tôi tưởng vị đại sư nào ở Tây Tạng mới qua!”. Anh Nguyên Tường Bách (tác giả Mùi hương trầm) mỗi lân về nước, gặp B. đều trầm trồ:” Thấy B. mỗi ngày mỗi sáng ra, lành thêm…Chúc mừng nhé!”. Chị 7 Hà (nguyên thứ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư), bạn đạo, trong lần tiếp xúc đầu tiên, nhận xét: “Tu như B. mới là tu!” Còn ông xã tôi thì: “Lạ thật! Từ một “sĩ phu nhậu” đã nói lời “adieu” và có một cưộc sống khác hẳn!”.

Thì ra …không có gì là lạ cả! Vì đó là Vipassana! Vì đó là Pháp bảo!…
Bạn không tin ư? Hãy đi một lần rồi sẽ biết!

Ước mong

Buổi tối trước khi kết thúc khóa thiền, chúng tôi được xem phim Thiền Vipassana trong nhà tù nói về những khóa tu dành cho tù nhân, cảnh sát tại Ấn Độ. Thật là xúc động khi Vipassana đã chuyển hóa nhũng tù nhân thành người lương thiện, giúp những người bảo vệ an ninh trật tự xã hội phát triển tâm từ, nhiệt tình tận tâm hơn với công việc của mình; và hàng trăm trung tâm thiền Vipassana trên khắp thế giới hoạt động ngày càng thu hút nhiều người đến học đạo. Thấy nước người ta vậy mà ham! Ham muốn cho đất nước Việt Nam thân yêu minh cũng sẽ có những trung tâm thiền như vậy, bởi thêm một người vào chùa, vào nhà thờ, vào thánh đường… thì xã hội bớt đi một mối lo. Hiện nay, tại một số chùa, nhà thờ thánh đường… ở nước ta cũng có thiền đường; Số người đến thiền đường ngày càng đông. Thầy Thích Nhật Từ cũng đã mở các khóa thiền cho tù nhân… Nhưng so với dân số nước ta thi tỷ lê đó không đáng kể. Đặc biệt, số người trẻ rất ít. Chợt nhớ đến câu thơ ứng khẩu của một thiền sinh khóa 3 ứng khẩu sau lời động viên rất hay, rất có duyên của Sư bà Kiến Liên với mấy thiền sinh trẻ vào ngày cuối khóa:

Đừng để cuối đời mới học đạo
Mồ hoang đâu thiếu kẻ xuân xanh!

Ít người trẻ đến với đạo, thiếu chùa, thiếu nhà thờ, thiếu thiền đường (Ban tổ chức 2 khóa thiền vừa rồi phải từ chối hàng trăm đơn xin tham dự khóa thiền)… là nỗi lo chung của xã hội, của đất nước.

Được biết, một số người phát tâm theo hạnh Ngài Cấp Cô Độc hiến tặng 3ha đất ở Bảo Lộc để xây dựng trung tâm thiền Vipassana. Vấn đề còn lại là xin giấy phép và xây dựng cơ sở vật chất phục vụ việc tu tập. Nếu trung tâm thiền này sớm hoạt động thì các khóa thiền sẽ được mở thường xuyên hơn, được nhiều người tu học hơn, không còn lặn lội ra nước ngoài nữa, đồng thời sẽ có nhiều khóa dài ngày: 10, 20, 30, 45 hay có những khóa ngắn ngày cho những người còn nghèo thời gian…

Mong lắm thay!

Diệu Đức

52Thường thức ... cuộc sống - Page 2 Empty Re: Thường thức ... cuộc sống Mon Jun 01, 2009 12:09 am

ltdhung

ltdhung

Hàng ngày, chúng ta thường chỉ quan tâm chăm sóc cái thân (bồi bổ, tắm gội) mà bỏ mặc cái tâm. Tâm chúng ta lúc nào cũng lăng xăng, nhảy nhót liên tục, đang nghĩ chuyện ông A thì nhảy sang bà B, bay sang thăm thằng bạn ở nước ngoài rồi trở lại chuyện ở công ty hồi sáng, ... Nó loạn động như vậy mà ai cũng nghĩ là mình làm chủ nó. Chắc các bạn cũng từng trải qua cảnh mình đi đến mở cửa tủ lạnh rồi ngẩn người ra không biết mình định lấy cái gì, hoặc đi làm về mới quăng chùm chìa khóa ở đâu đó mà bây giờ không thể nhớ ra. Thiền chính là cách gội rửa cho tâm mình rất tốt. Tác dụng của thiền chính là giúp chúng ta có chánh niệm trong mọi hành động, tập trung tối đa vào công việc đang làm và sáng suốt trong mọi hoàn cảnh.
Phương pháp hành thiền thì rất đơn giản nhưng thực hành thì khó lắm. Nếu bạn chưa từng thực hành thiền, bạn thử xem sao : ngồi trên ghế, lưng thẳng, đầu thẳng, mắt khép hờ (nhìn xuống), tập trung theo dõi hơi thở (nhớ là chỉ theo dõi chứ không điều khiển), hít vào - thở ra - đếm 1, lại hít vào - thở ra - đếm 2, ..., cứ như vậy đến 10. Nếu đếm được đến 10 mà bạn tâm bạn chỉ trung vào hơi thở mà không nghĩ lan man sang chuyện khác thì bạn có "triển vọng" lắm đó.
Về nơi hướng dẫn thì hiện thời mình chỉ biết Thiền viện nguyên thủy ở Q2 (Số 33A Đường 10, KP.1, P. Cát Lái, Q. 2, Tp.HCM Tel: (848)-37.420.214 Mobile: 0919.105.833 Email: chanhqua@yahoo.com). Nơi này thường có các nhà sư ở Miến Điện, Thái Lan sang hướng dẫn. Bạn nào quan tâm có thể vào trang web sau của bác sĩ Phạm Doãn để tìm hiểu thêm http://thienviennguyenthuy.wordpress.com/ . Nếu ai có điều kiện tham dự các khóa thiền ở đây thì mau tiến bộ lắm. Điều quan trọng là các bạn phải bỏ qua mọi thành kiến về tôn giáo khi đến với thiền, và không cần phải là Phật tử mới đến đây học được. Nời các bạn đọc bài tham khảo "Tôi đi học thiền" để tìm hiểu thêm.

nthao



Đây là phương pháp rất tốt cho sức khỏe và rèn luyện khả năng chịu đựng (thần kinh) trong nhiều hoàn cảnh khác nhau.
Nếu tự tập hình như hơi khó lúc đầu ? Có nơi nào hướng dẫn tập thì chắc nhanh hơn, D.Hùng cho địa chỉ và thông tin liên lạc.

54Thường thức ... cuộc sống - Page 2 Empty Giới thiệu sách Sun May 31, 2009 1:50 pm

nttuyen



Các bạn có "đệ tử" ở tuổi teen có thể tìm mua cho các cháu bộ sách dưới đây, gồm 6 cuốn - loại GROWING UP - có các tựa đề sau:

1. Ăn thế nào tạo ra bạn thế ấy - Tác giả: Felicia và các cộng sự
* Nội dung : Bàn về vấn đề ăn uống của tuổi teen, thực phẩm, vitamin, cafein, rượu... : lợi ích, tác hại. Ăn uống như thế nào là hợp lý : năng lượng, kết hợp các chất, ăn chay, thức ăn nhanh, dị ứng ...

2. Nào cùng chơi thể thao - Tác giả : Helen Greathed
Giới thiệu những nét chính về các môn thể thao , cho các cháu hiểu biết thêm về tim, huyết áp, cơ bắp, cách lập luyện thể thao sao cho lợi ích nhất...

3. Làm thế bào để có một ngoại hình hoàn hảo - Tác giả : Rosemary Catolfi Salvoni
Giới thiệu ý thức về cơ thể, hình dáng của teen, các vần đề về da, răng, tóc, chăm sóc mắt, ... trang điểm, ăn mặc ở tuổi teen... Đây là các vấn đề "bên ngoài" mà các cháu bắt đầu quan tâm , tìm hiểu...

4. Hãy giúp tôi Tác giả : Felicia Law và các cộng sự
Bạn trẻ và các vấn đề liên quan đến sức khoẻ, xã hội và pháp luật : Cho các cháu nhận thức về các vấn đề :sức khoẻ : ma tuý, dùng thuốc kích thích, mang thai ngoài ý muốn... và ý thức với các vấn đề: bạo lực học đường, phân biệt chủng tộc, quấy rối tình dục, cách tìm kiếm sự giúp đỡ khi cần...

5. Làm chủ cảm xúc Tác giả : Helen Greathead
Bàn về các mối quan hệ : con nuôi, tình bạn, tình yêu, các quan niệm về : việc học , vui, buồn, tự lập, cô độc, tiền, tương lai, bản thân...

6. Cơ thể tôi đang lớn lên từng ngày Tác giả : Gerry Bailey
Giới thiệu , bàn về vấn đề giới tính : cả cháu trai và cháu gái.

Theo tôi, đây là bộ sách rất hữu ích cho các cháu ( và cả chúng ta trong việc giúp các cháu "lớn" lên ). Vì dành cho tuổi teen nên lời văn súc tích, cô đọng, dễ hiểu, đặt vấn đề và hướng dẫn phân tích, giải quyết chúng rất phù hợp với suy luận của teen. Có cả những vấn đề tế nhị, nhiều khi các cháu khó dám hỏi ta, và có hỏi e ta cũng lúng túng lúc trả lời.

Sách do Nhà Xuất bản Trẻ phát hành , dễ tìm mua tại các hiệu sách (nhất là hệ thống Fahasa).

------------

nttuyen



Abraham Lincoln – tổng thống thứ 16 của Hợp chủng quốc Hoa kỳ (1861-1865) nổi tiếng là một diễn giả tài giỏi. Ngay sau khi ông qua đời ngày 15/4/1865 do bị ám sát, rất nhiều người đã tiến hành sưu tầm những bài diễn văn, bài phát biểu, những lá thư của ông. Số di cảo này giúp người đọc hiểu được nhiều sự kiện lịch sử và mang lại một hình ảnh sâu đậm về cuộc đời và sự nghiệp của Abraham Lincoln. “Lá thư gửi thầy hiệu trưởng” do Hiệp hội Abraham Lincoln sưu tầm , mặc dù còn gây tranh cãi rằng có phải là của ông hay không, nhưng rất phổ biến và được nhiều người biết đến.

BỨC THƯ CỦA ABRAHAM LINCOLN GỬI THẦY GIÁO CỦA CON TRAI

Con tôi sẽ phải học tất cả những điều này, rằng không phải tất cả mọi người đều công bằng, tất cả mọi người đều chân thật. Nhưng xin thầy hãy dạy cho cháu biết cứ mỗi một kẻ vô lại ta gặp trên đường phố thì ở đâu đó sẽ có một con người chính trực; cứ mỗi chính trị gia ích kỷ, ta sẽ có một nhà lãnh đạo tận tâm. Xin thầy hãy dạy cho cháu biết rằng cứ mỗi kẻ ghét bỏ ta thì ta lại có một người bạn.
. Bài học này sẽ mất nhiều thời gian, tôi biết, nhưng xin thầy hãy dạy cho cháu biết rằng một đồng đô-la kiếm được do công sức lao động của mình bỏ ra còn quý giá hơn nhiểu so với năm đô-la nhặt được trên hè phố…
. Xin thầy dạy cho cháu biết cách chấp nhận thất bại và cách tận hưởng niềm vui chiến thắng. Xin hãy dạy cháu tránh xa sự đố kỵ.
Xin hãy dạy cháu biết được bí quyết của niềm vui chiến thắng thầm lặng. Dạy cho cháu biết được rằng những kẻ hay bắt nạt người khác nhất lại là những kẻ dễ bị đánh bại nhất…
. Xin hãy giúp cháu nhìn thấy thế giới kỳ diêu của sách… nhưng cũng cho cháu có đủ thời gian để lặng lẽ suy tư về sự bí ẩn muôn thửơ của cuộc sống : đàn chim tung cánh trên bầu trời, đàn ong bay lượn trong ánh nắng và những bông hoa nở ngát bên đồi xanh.
. Xin thầy hãy dạy cho cháu biết thà bị điểm kém vẫn hơn là gian lận trong thi cử.
Xin hãy giúp cháu có niềm tin vào ý kiến riêng của bản thân, dù mọi người xung quanh cho rằng ý kiến đó sai lầm…
. Xin hãy dạy cho cháu biết cách đối xử dịu dàng với những người hoà nhã và cứng rắn với những kẻ thô bạo..
. Xin tạo cho cháu sức mạnh để không chạy theo đám đông khi tất cả mọi người đều chỉ biết chạy theo thời thế.
. Xin dạy cho cháu biết phải lắng nghe tất cả mọi người nhưng cũng xin thầy dạy cho cháu biết cần phải sàng lọc những gì nghe được qua một tấm lưới chân lý để cháu chỉ đón nhận những gì tốt đẹp…
. Xin hãy dạy cho cháu biết cách mỉm cười khi buồn bã.
. Xin hãy dạy cháu biết rằng không có sự xấu hổ trong những giọt nước mắt. Xin hãy dạy cho cháu biết chế giễu những kẻ yếm thế và cẩn trọng trước sự ngọt ngào đầy cạm bẩy.
. Xin hãy dạy cho cháu biết rằng có thể bán cơ bắp và trí tuệ cho người ra giá cao nhất, nhưng không bao giờ cho phép ai ra giá mua trái tim và tâm hồn mình…
. Xin hãy dạy cho cháu ngoảnh tai làm ngơ trước một đám đông đang gào thét… và đứng thẳng người bảo vệ những gì cháu cho là đúng…
. Xin hãy đối xử dịu dàng với cháu nhưng đừng vuốt ve nuông chiều cháu bởi vì chỉ có sự thử thách của lửa mới tôi luyện nên được một con người cứng rắn.
. Xin hãy giúp cháu có được sự dũng cảm để không dung thứ sự sai trái, và giúp cháu có được sự bền chí để là người dũng cảm. Hãy dạy cháu biết rằng cháu phải luôn có niềm tin tuyệt đối vào bản thân mình, bởi vì khi đó , cháu sẽ luôn có niềm tin tuyệt đối vào nhân loại.

Đây quả là một yêu cầu quá lớn , tôi biết, thưa thầy. Nhưng xin thầy cố gắng hết sức mình, nếu được vậy, con trai tôi quả thật là một cậu bé một cậu bé hạnh phúc và may mắn.


------------

ltdhung

ltdhung

(Bài viết ở trang YKHOANET http://www.ykhoanet.com/yhoccotruyen/voha/vh005.htm)
Lương y VÕ HÀ

Thử nhìn xuống một hồ nước. Khi mặt hồ yên tĩnh, trong xanh ta dễ dàng nhìn rõ được mọi vật dưới đáy. Trái lại, khi làn nước gợn sóng, hình ảnh sẽ bị phản chiếu lệch lạc. Bộ não con người cũng giống như vậy. Khi tinh thần yên tĩnh, tập trung, tâm trí sẽ sáng suốt. Trái lại, khi có tạp niệm xen vào hoặc lúc lo âu căng thẳng, sự phán đoán sẽ kém chính xác. Sự căng thẳng sẽ làm mệt bộ não, cơ thể tiêu phí nhiều năng lượng mà việc giải quyết công việc lại kém hiệu quả. Một sinh viên thiếu tập trung sẽ khó tiếp thu bài giảng. Một công nhân đứng máy lơ đểnh sẽ dễ mắc tai nạn lao động. Một nhà nghiên cứu mà tinh thần không ổn định sẽ khó có thể hoàn thành công trình của mình. Ngoài ra, trong điều kiện phát triễn của nền văn minh công nghiệp với tính cạnh tranh cao, con người luôn phải đối mặt với nhiều loại áp lực thì việc phải gánh chịu stress làm giảm sức đề kháng và dễ dẫn đến nhiều bệnh tật là điều đáng lo ngại. Từ những thực tế nầy nhiều người đã tìm đến với thiền.

THIỀN LÀ GÌ?

Nói một cách đơn giản, thiền là những phương pháp giúp hình thành thói quen tập trung tư tưởng để làm đúng công việc mà chúng ta muốn làm và đang làm. Đặc biệt thiền giúp điều chỉnh lại tình trạng mất cân bằng giữa hưng phấn và ức chế của hệ thần kinh do quá trình sinh hoạt và làm việc căng thẳng gây ra.

Có nhiều phương pháp thiền khác nhau, nhưng tựu trung vẫn là giúp người luyện tập có thể tập trung chú ý vào một điểm ở trong hoặc ngoài cơ thể, vào một đề tài, một hình ảnh hoặc một câu "chú" nhất định nhằm đưa cơ thể tiến dần vào tình trạng nhập tĩnh khi tâm không còn bất cứ ý niệm nào.

CÁC BƯỚC THÔNG THƯỜNG CỦA MỘT LẦN NGỒI THIỀN

1. Chuẩn bị: Trước khi ngồi thiền, cần hoàn tất các công việc thường nhật trong ngày để tư tưởng khỏi vướng bận; Tắm rửa sạch sẽ, nới lỏng quần áo; Chọn một nơi yên tĩnh, thoáng mát, không có ruồi muỗi.

2. Tư thế: Có thể chọn tư thế ngồi xếp bằng thông thường, ngồi bán già hoặc ngồi kiết già. Lưng thẳng, cằm hơi đưa vào để cột sống được thẳng. Đầu lưỡi chạm nhẹ nướu răng trên. Hai bàn tay buông lỏng đặt trên hai đùi hoặc đan chéo nhau để trước bụng, miễn sao hai tay cảm thấy thoải mái, dễ giãn mềm cơ bắp là được.

Tư thế kiết già (thế hoa sen), đặc biệt thích hợp cho việc ngồi thiền: Ngồi xếp bằng tự nhiên, dùng hai bàn tay nắm bàn chân phải từ từ gấp chân lại và đặt bàn chân lên đùi trái, gót chân ép sát bụng, lòng bàn chân ngửa lên trời. Kế tiếp dùng hai bàn tay nắm bàn chân trái gấp lại, đặt bàn chân trái lên đùi phải, kéo nhẹ gót chân vào sát bụng, bàn chân ngửa lên trời.

Các đạo sư Yoga cho rằng vị thế khóa nhau của hai chân trong tư thế kiết già sẽ tạo sức ép lên hai luân xa ở dưới cùng của cơ thể, khiến dòng năng lượng có khuynh hướng đi lên để nuôi dưỡng các trung tâm lực dọc theo cột sống và kiểm soát toàn bộ hệ thần kinh. Những thí nghiệm khoa học về Yoga cho thấy chỉ cần ngồi tư thế hoa sen, dù ta không cố gắng tập trung tư tưởng, vẫn có một sự thay đổi ở sóng não từ nhịp Beta khoảng 20 chu kỳ mỗi giây xuống nhịp Alpha khoảng 8 chu kỳ mỗi giây. Nhịp Alpha là tình trạng sóng não của một người đang trầm tĩnh và minh mẫn. Điều nầy có nghĩa là tự thân tư thế kiết già đã có công năng làm êm dịu thần kinh chưa kể đến những cố gắng khác của việc ngồi thiền.
Kết quả trên cũng phù hợp với những lý luận của y học cổ truyền khi biết rằng ở thế kiết già, xương mác ở cẳng chân trái đã tạo một sức ép khá mạnh lên đúng vị trí huyệt Tam âm giao ở chân phải (huyệt Tam âm giao ở chỗ lõm bờ sau xương chày, trên mắt cá chân trong khoảng 6cm). Như vậy, trong suốt thời gian ngồi kiết già, huyệt Tam âm giao sẽ được kích thích liên tục. Tam âm giao là huyệt giao hội của 3 đường kinh âm: Tỳ, Can và Thận nên tác động kích thích này sẽ có tác dụng "thông khí trệ", "sơ tiết vùng hạ tiêu" và điều chỉnh những rối loạn nếu có ở những kinh và tạng có liên quan, đặc biệt là tác dụng "Dưỡng âm kiện Tỳ" và "Sơ Can ích Thận" mà các thầy thuốc châm cứu đều biết khi tác động vào huyệt này. Những người có dấu hiệu căng thẳng thần kinh, những bệnh nhân "Âm hư hỏa vượng" hay gặp các cơn bốc hỏa về chiều và những phụ nữ đang ở tuổi mãn kinh sẽ dễ dàng cảm nhận được hiệu quả khi ngồi vào thế kiết già.

3. Giảm các kích thích giác quan: Một trong những yếu tố quan trọng để dễ nhập tĩnh là không bị các kích thích bên ngoài quấy nhiễu. Người xưa gọi là "bế ngũ quan".

Trên thực tế, những quan sát qua điện não đồ cho thấy chỉ cần nhắm mắt để loại bỏ thị giác là đã giảm được 50% các kích thích từ bên ngoài. Do đó, nên nhắm mắt lúc ngồi thiền. Khi nhắm mắt chỉ cần khép hờ để bảo đảm không có sự căng cơ ở vùng mặt.

4. Giãn mềm cơ bắp: Ngày nay, khoa học đã biết rất rõ tác động qua lại giữa 2 yếu tố thần kinh và cơ. Khi thần kinh căng thẳng, trương lực cơ bắp cũng gia tăng. Ngược lại, nếu điều hòa trương lực cơ bắp ở mức thư giãn thì thần kinh cũng sẽ được ổn định. Chúng ta dễ dàng nhận thấy điều này khi quan sát một người đang giận dữ. Khi tức giận, gân cổ nổi lên, cơ bắp căng cứng, bàn tay nắm chặt...; đó là lúc thần kinh quá căng thẳng. Ngược lại, hãy nhìn một người đang ngồi ngủ gật trên xe. Lúc người này thiếp đi là lúc thần kinh ở mức thư giãn, tâm không còn ghi nhận ý niệm gì cụ thể và cơ bắp cũng giãn mềm nên đầu dễ dàng ngoẹo sang một bên. Vì vậy, trong quá trình hành thiền, việc chủ động giãn mềm cơ bắp sẽ thúc đẩy nhanh quá trình thư giãn, nhập tĩnh.

Trên thực tế, chỉ cần quan tâm giãn mềm cơ mặt và cơ bàn tay là đủ. Điều này căn cứ vào hai quy luật: Thứ nhất, mặt và hai bàn tay là những vùng phản chiếu có các điểm tương ứng với toàn bộ cơ thể, do đó nếu thư giãn được vùng mặt hay hai bàn tay sẽ thư giãn được toàn thân. Thứ hai, theo học thuyết Paplop, khi tập trung gây ức chế thần kinh một vùng hoặc một điểm ở vỏ não (qua hiệu ứng thư giãn) thì sự ức chế này sẽ lan tỏa gây ức chế toàn bộ vỏ não.

5. Tập trung tâm ý: Đây là giai đoạn chính của buổi hành thiền. Như đã nói ở phần trên, thiền chính là sự tập trung tư tưởng vào một điểm hoặc một đề mục duy nhất để dần dần đạt đến tình trạng trống rỗng, không còn vướng mắc vào bất cứ một ý niệm nào. Để thư giãn thần kinh hoặc để chữa bệnh, chỉ cần duy trì tình trạng tập trung vào điểm hoặc vào đề mục tập trung trong một thời gian nhất định là đủ. Điều quan trọng là nên tập đều đặn hàng ngày, mỗi ngày một hoặc hai lần. Lúc đầu, ngồi khoảng 15 phút mỗi lần, dần dần tăng lên. Sau một thời gian, khi não bộ đã ghi nhận thói quen thiền thì việc ngồi vào tư thế, nhắm mắt, việc đầu lưỡi chạm nhẹ nướu răng trên hoặc ám thị giãn mềm cơ bắp sẽ hình thành nên những phản xạ có điều kiện để đưa người tập vào trạng thái thiền định.

Về điểm để tập trung tư tưởng, một vị trí ở vùng bụng dưới mà nhiều trường phái thường chọn làm điểm tập trung khi ngồi thiền là huyệt Đan điền, cách dưới rốn khoảng 3cm. Nên tập trung vào điểm này vì nhiều lẽ.

Theo y học cổ truyền, "thần đâu khí đó". Do đó, khi tập trung vào một điểm ở vùng dưới cơ thể thì khí và huyết sẽ lưu chuyển về phía dưới, làm nhẹ áp lực ở vùng đầu, dễ dẫn đến nhập tĩnh.

Đan điền còn gọi là Khí hải hay Khí huyệt, ngụ ý là nơi "luyện thuốc", là "bể chứa khí". Đan điền là một huyệt quan trọng trong việc luyện dưỡng sinh của các đạo sĩ, các nhà khí công. Có nhiều trường phái khác nhau và việc tu luyện rất phức tạp. Tuy nhiên, các công phu của đạo gia nói chung và việc phát sinh nội khí để chửa bệnh nói riêng đều dựa vào bí quyết "hồi quang nội thị" hoặc "ngưng thần nhập khí huyệt". Tâm không duyên ra ngoài, hướng đôi mắt vào trong gọi là hồi quang, tập trung thần vào bên trong cơ thể gọi là nội thị. Ngưng thần nhập khí huyệt chính là tập trung tâm ý tại Đan điền để phát sinh nội khí. Lâu dần chân khí được sung mãn sẽ khai thông các kinh lạc bế tắt hoặc bồi bổ cho ngủ tạng để tăng cường sức khoẻ.

Một số người tâm dễ xao động có thể cần một phương pháp kiểm soát tâm chặt chẽ hơn. Trường hợp này, nên kết hợp quan sát hơi thở với việc tập trung tại Đan điền bằng cách quan sát sự phồng lên và xẹp xuống tại bụng dưới. Lúc hít vào bụng dưới hơi phồng lên, lúc thở ra bụng dưới hơi xẹp xuống. Chỉ cần thở bình thường. Không cần quan tâm đến thở sâu hay thở cạn, đều hay không đều. Điều quan trọng ở đây là tập trung quan sát để biết rõ ta đang hít vào hay đang thở ra thông qua chuyển động phồng lên hay xẹp xuống ở bụng dưới. Sở dĩ chọn quan sát hơi thở ở bụng dưới mà không phải ở đầu mũi hoặc ở ngực là nhằm tạo quán tính thở sâu kết hợp với việc phát sinh nội khí ở Đan điền như đã dẫn ở phần trên. Thỉnh thoảng sẽ có những lúc tâm bị phân tán, các tạp niệm xen vào. Điều này là bình thường. Chỉ cần khi nhớ ra hãy tập trung trở lại Đan điền hoặc tiếp tục quan sát hơi thở vào ra là đủ. Lâu dần, những tạp niệm sẽ bớt đi, thời gian tập trung sẽ dài hơn, hơi thở sẽ đều, chậm và nhẹ hơn, cho đến lúc không còn ý niệm và quên luôn cả hơi thở. Nếu thường xuyên đạt đến tình trạng này, có nghĩa người tập đã tiến được một bước rất dài. Không chỉ là không bệnh tật mà còn là sự tự tin, cảm thông và hoà hợp để dần dần đạt đến điều mà người xưa gọi là thiên nhân hợp nhất.

6. Xả thiền: Sau khi ngồi thiền, trước khi đứng dậy cần làm một số động tác để cơ thể hết tê mỏi và khí huyết lưu thông bình thường. Từ từ buông thõng hai chân, xoay người qua lại nhiều lần, xoay ở vùng hông và vùng cổ. Dùng hai tay vuốt nhẹ hai bên sóng mũi từ đầu mũi xuống chót cằm, vuốt ấm vành tai. Xoa hai lòng bàn tay vào nhau cho ấm rồi áp vào mắt. Dùng hai bàn tay xoa bóp dọc theo hai chân, từ đùi dài xuống bàn chân. Xoa ấm hai lòng bàn chân.

Việc xả thiền tùy thuộc vào mỗi buổi thiền. Nếu chỉ thiền khoảng 15 phút hoặc khi có công việc cần đứng lên gấp thì chỉ cần co duỗi hai chân và xoay người, hoặc lắc cổ qua lại nhiều lần là đủ.

NGỒI THIỀN CÓ GÂY NGUY HIỂM GÌ KHÔNG?

Một vấn đề cuối cùng mà những người mới tập thiền thường thắc mắc là liệu ngồi thiền có gây nguy hiểm gì không? Câu trả lời sẽ tùy thuộc vào phương pháp và động cơ của việc ngồi thiền. Một số phương pháp thiền có phối hợp với vận khí hoặc có sự hỗ trợ khai mở một số trung tâm lực trong cơ thể nhằm thúc đẩy nhanh quá trình sinh khí và gia tăng nội lực. Các phương pháp này có thể gây những nguy hiểm đi kèm nếu người tập thiếu những kiến thức về khí công, về y học truyền thống hoặc không có đạo sư hướng dẫn để vận dụng và kiểm soát kịp thời nguồn năng lực mới phát sinh. Trái lại, nếu ngồi thiền để đạt đến sự tĩnh lặng trong tâm trí, để thư giãn thần kinh và tăng cường sức khỏe, không vận khí, không bám víu vào bất cứ ảo giác, âm thanh hoặc hình ảnh nào thì không có gì nguy hiểm

57Thường thức ... cuộc sống - Page 2 Empty Thường thức ... cuộc sống Sat May 30, 2009 10:58 pm

nttuyen



Mình không biết đặt tên cho chủ đề này là gì. "Linh tinh" thì nghe "tạp hoá" quá. "Thường thức" cho có vẽ "sang" một chút. Mong các bạn sẽ tham gia với các bài viết , sưu tầm ... về các đề tài : Sức khoẻ, Giáo dục, Tâm sinh lý, kinh nghiệm , định hướng ... cho ta và cho "con cháu" ta, cả ta khi "chớm già" nữa há ! ( Nghe sao cũng giống "tạp hoá" quá ! Mà "tạp hoá" biết đâu lại đúng với tính thường thức cuả chủ đề ). Hy vọng là sẽ "phát đạt". Mong các bạn hưởng ứng để T. khỏi doạ "sang quán" nha ! drunken

Sponsored content



Về Đầu Trang  Thông điệp [Trang 2 trong tổng số 2 trang]

Chuyển đến trang : Previous  1, 2

Permissions in this forum:
Bạn không có quyền trả lời bài viết