Diễn đàn 12A6-NTB
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.
Diễn đàn 12A6-NTB

Diễn đàn những người bạn đã từng chung lớp 10,11,12A6 Trường PTTH Nguyễn Thái Bình 1984-1987


You are not connected. Please login or register

TỈNH THỨC

Go down  Thông điệp [Trang 1 trong tổng số 1 trang]

1TỈNH THỨC Empty Re: TỈNH THỨC Tue Aug 13, 2013 10:38 pm

nttuyen



.Xin được phép post đoản văn này nhân mùa Vu Lan đang đến.

-----------

       . Vào năm 1962, sau chín tháng nghiên cứu về khoa Tỷ Giáo Tôn Giáo tại Princeton University, tại Camp Ockanickon, Thầy Thích Nhất Hạnh đã viết đoản văn “Bông Hồng cài áo”. Đoản văn sau đó được chép tay, truyền đi nhanh chóng để rồi vào rằm tháng Bảy năm ấy tại chùa Xá Lợi, lễ Bông Hồng cài áo đã được tổ chức lần đầu tiên và từ đó đến nay lễ Bông Hồng cài áo đã thành truyền thống. Cũng từ bài văn này, nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ đã phổ nhạc thành công ca khúc “Bông Hồng cài áo”, góp phần đưa nghi thức cài hoa hồng vào sâu trong đời sống văn hóa dân tộc. (Trích ý từ bài đăng trên Nguyệt san Giác Ngộ).

BÔNG HỒNG CÀI ÁO
(Thích Nhất Hạnh - 1962)

      .Ý niệm về mẹ thường không thể tách rời ý niệm về tình thương. Mà tình thương lại là một chất liệu ngọt ngào, êm dịu và cố nhiên là ngon lành. Con trẻ thiếu tình thương thì không thể lớn lên được. Người lớn thiếu tình thương thì cũng không thể “lớn” lên được mà sẽ cằn cỗi, héo mòn.
Ngày mẹ mất, tôi viết trong nhật ký: tai nạn lớn nhất đã xảy đến với tôi rồi! Dù tôi đã lớn đến cách mấy mà khi đã mất mẹ thì cũng như đứa trẻ, cũng cảm thấy bơ vơ, lạc lõng, cũng không hơn gì trẻ mồ côi.
      . Những bài hát, bài thơ ca tụng tình mẹ tôi thấy bài nào cũng hay. Người viết dù không có tài nhưng vẫn có rung cảm chân thành; người hát ca trừ là người không có mẹ ngay từ thưở chưa có ý niệm, còn thì ai cũng cảm động khi nghe nói đến tình mẹ. Những bài hát ca ngợi tình mẹ đâu cũng có, thời nào cũng có.
      . Bài thơ mất mẹ mà tôi thích nhất, được đọc từ hồi nhỏ, là một bài thơ rất giản dị. Khi đó mẹ đang còn sống, nhưng mỗi khi đọc bài ấy thì tôi lại cảm thấy sợ sệt , lo âu… , là cảm giác sợ sệt lo âu cho một cái gì còn xa, chưa đến, nhưng chắc chắn phải đến :

Năm xưa tôi còn nhỏ
mẹ tôi đã qua đời !
Lần đầu tiên tôi hiểu
thân phận trẻ mồ côi.
Quanh tôi ai cũng khóc
im lặng tôi sầu thôi,
để dòng nước mắt chảy
là bớt khổ đi rồi…
Hoàng hôn phủ trên mộ
chuông chùa nhẹ rơi rơi
tôi thấy tôi mất mẹ
mất cả một bầu trời.

         . Một bầu trời yêu thương dịu ngọt, lâu quá mình đã bơi lội trong đó, sung sướng mà không hay, để hôm nay bừng tỉnh thì nhận ra đã mất rồi. Người nhà quê Việt nam không ưa cách nói cầu kỳ, Với họ, nói rằng mẹ già là một kho tàng của yêu thương, của hạnh phúc cũng đã là cầu kỳ rồi. Nói mẹ già là một thứ chuối, một thứ xôi, một thứ đường ngọt dịu, người dân quê đã diễn tả tình mẹ một cách vừa  giản dị, vừa đúng mức :
Mẹ già như chuối ba hương
Như xôi nếp một, như đường mía lau.

         . Ngon biết bao nhiêu ! Những lúc miệng vừa đắng, vừa nhạt sau một cơn sốt, khi đó thì không có món ăn gì có thể gợi được khẩu vị của ta. Chỉ khi nào mẹ đến, kéo chăn đắp lại ngực cho ta, đặt bàn tay (bàn tay ? Hay là tơ trời la miên ?) trên trán nóng của ta và than thở: “khổ chưa, con tôi” , ta mới cảm thấy đầy đủ, ấm áp, thấm nhuần chất ngọt của tình mẹ, ngọt thơm như chuối ba hương, dịu như xôi nếp một và đậm đà lịm cả cổ họng như đường mía lau. Tình mẹ thì trường cửu, bất tuyệt; những chuối ba hương, đường mía lau, xôi nếp một ấy không bao giờ cùng tận. “Công cha như núi Thái sơn, nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra” . Nước trong nguồn chảy ra là bất tuyệt. Tình mẹ là gốc của mọi tình cảm yêu thương. Mẹ là giáo sư dạy về yêu thương, một phân khoa quan trọng nhất trong trường đại học cuộc đời. Không có mẹ thì tôi sẽ không biết yêu thương. Nhờ mẹ mà tôi biết thế nào là tình nhân loại, tình chúng sinh; nhờ mẹ mà tôi có được chút ý niệm về đức từ bi. Vì mẹ là gốc của tình thương nên ý niệm Mẹ bao trùm ý niệm yêu thương của tôn giáo vốn dạy về tình thương. Đạo Phật có đức Quán Thế Âm được tôn sung dưới hình thức Mẹ. Em bé vừa mở miệng khóc thì mẹ đã chạy tới bên nôi. Mẹ hiện ra như một thiên thần làm tiêu tan khổ đau lo âu. Đạo Chúa có Đức Mẹ, Thánh nữ đồng trinh Maria. Tín ngưỡng bình dân Việt có Thánh mẫu Liễu Hạnh, cũng dưới hình thức Mẹ. Bởi vì chỉ cần nghe đến danh từ Mẹ, là ta đã thấy lòng tràn ngập yêu thương rồi. Mà từ yêu thương đi tới tín ngưỡng và hành động thì không xa chi mấy bước.
         
          . Tây phương không có ngày Vu Lan nhưng cũng có Ngày Mẹ (Mother’s Day) mồng mười tháng Năm. Tôi nhà quê nên không biết có tục ấy. Có một ngày tôi đi với thầy Thiên Ân tới nhà sách ở khu Ginza ở Đông Kinh, nửa đường gặp mấy người sinh viên Nhật, bạn của thầy Thiên Ân. Có một cô sinh viên hỏi nhỏ thầy Thiên Ân một câu, rồi lấy trong giỏ xách một bông hoa cẩm chướng màu trắng cài vào khuy áo tràng của tôi. Tôi lạ lùng, bỡ ngỡ, không hiểu cô làm gì, nhưng không dám hỏi, cố giữ vẻ tự nhiên, nghĩ rằng có một tục lệ chi đó. Sau khi họ nói chuyện xong, chúng tôi vào nhà sách, thầy Thiên Ân mới giảng cho tôi biết đó là ngày Mẹ, theo tục phương Tây. Nếu anh còn mẹ, anh sẽ được cài một bông hoa màu hồng trên áo, và anh sẽ được tự hào còn mẹ. Còn nếu anh đã mất mẹ, anh sẽ cài trên áo một bông hoa trắng. Tôi nhìn lại bông hoa trắng trên áo mà bỗng thấy tủi thân. Tôi cũng mồ côi như bất cứ một đứa trẻ vô phúc khốn nạn nào; chúng tôi  không có được cái tự hào cài trên áo một bông hoa màu hồng. Người được hoa trắng sẽ thấy xót xa, nhớ thương, không quên mẹ dù người đã khuất. Người được hoa hồng sẽ được sung sướng nhớ rằng mình còn mẹ, và sẽ cố gắng để làm vui lòng mẹ, kẻo một mai người khuất núi thì dù có khóc than cũng không còn kịp nữa. Tôi thấy cái tục cài hoa đó đẹp và nghĩ rẳng mình có thể bắt chước áp dụng trong ngày báo hiếu Vu Lan.

          . Mẹ là một dòng suối, một kho tàng vô tận, vậy mà lắm lúc ta không biết, để lãng phí một cách oan uổng. Mẹ là món quà lớn nhất mà cuộc đời tặng cho ta, những ai đã và đang có mẹ. Đừng đợi đến khi mẹ chết rồi mới nói: Trời ơi! Tôi sống bên mẹ suốt mấy mươi năm trời mà chưa lúc nào nhìn kỹ được mặt mẹ. Lúc nào cũng chỉ nhìn thoáng qua. Trao đổi vài câu ngắn ngủi. Xin tiền ăn quà. Đòi hỏi mọi chuyện. Ôm mẹ mà ngủ cho ấm. Giận dỗi. Hờn lẫy. Gây bao chuyện rắc rối khiến mẹ phải lo lắng, ốm mòn, thức khuya dậy sớm vì con. Chết sớm cũng vì con. Để mẹ suốt đời phải bếp núc vá may, giặt rửa dọn dẹp. Và để mình bận rộn suốt đời lên xuống ra vào lợi danh. Mẹ không có thì giờ nhìn kỹ con, và con cũng không có thì giờ nhìn kỹ mẹ. Đến khi mẹ mất, mình có cảm nghĩ: “ Thật như là mình chưa bao giờ có ý thức thật rằng mình có mẹ”.

          . Chiều nay khi đi học về, hoặc khi đi làm việc ở sở về, em hãy vào phòng mẹ với một nụ cười thật trầm lặng và thật bền. Em sẽ ngồi xuống bên mẹ. Sẽ bắt mẹ dừng kim chỉ, đừng nói năng chi. Rồi em sẽ nhìn mẹ thật lâu, thật kỹ để trông thấy mẹ và biết rằng mẹ đang sống và đang ngồi bên em. Cầm tay mẹ, em sẽ hỏi một câu ngắn làm mẹ chú ý. Em hỏi: “Mẹ ơi, mẹ có biết không?” Mẹ sẽ hơi ngạc nhiên và sẽ hỏi lại em, vừa hỏi, vừa cười: “Biết gì?”. Vẫn nhìn vào mắt mẹ, vẫn giữ nụ cười trầm lặng và bền, em nói: “Mẹ có biết là con thương mẹ không?” . Câu hỏi không cần được trả lời. Cho dù người lớn ba, bốn mươi tuổi thì ngươi vẫn có thể hỏi một câu như thế, bởi vì ngươi là con của mẹ. Mẹ và em sẽ sung sướng, sẽ được sống trong ý thức tình thương bất diệt. Mẹ và em sẽ đều trở thành bất diệt và ngày mai mẹ mất em sẽ không hối hận.

          .Ngày Vu Lan ta nghe giảng và đọc sách nói về ngài Mục Liên và về sự hiếu đễ. Công cha, nghĩa mẹ, bổn phận làm con. Ta lạy Phật cầu cho mẹ sống lâu. Hoặc lạy mười phương tăng chú nguyện cho mẹ được tiêu diêu nơi Cực lạc, nếu mẹ đã mất. Con mà không có hiếu là thứ con bỏ đi. Nhưng hiếu thì cũng do tình thương mà có; không có tình thương thì hiếu cũng là thứ giả tạo, khô khan, vụng về, cố gắng mệt nhọc. Mà có tình thương là có đủ hết rồi, cần chi nói đến bổn phận. Thương mẹ, vậy là đủ. Mà thương mẹ không phải là bổn phận. Thương mẹ là một cái gì rất tự nhiên, như khát thì uống nước. Con thì phải có mẹ, phải thương mẹ. Chữ “phải” ở đây không phải là luân lý, bổn phận mà “phải” đây là lý đương nhiên. Con đương nhiên thương mẹ, như khát thì phải tìm nước uống. Mẹ thương con, nên con thương mẹ. Con cần mẹ, mẹ cần con. Nếu mẹ không cần con, con không cần mẹ thì đó không phải là mẹ là con. Đó là lạm dụng danh từ mẹ con. Ngày xưa, thầy giáo hỏi rằng: “Con mà thương mẹ thì phải làm thế nào?”. Tôi trả lời: “Vâng lời, cố gắng giúp đỡ, phụng dưỡng lúc mẹ về già và thờ phụng khi mẹ khuất núi.” . Bây giờ thì tôi biết rằng: con thương mẹ thì không cần phải “làm thế nào” gì hết. Cứ thương mẹ thôi, thế là đủ lắm rồi, đủ hết rồi, cần chi phải hỏi “làm thế nào” nữa.

           . Thương mẹ không phải là một vấn đề luân lý đạo đức. Anh mà nghĩ rằng tôi viết bài này để khuyên anh về luân lý đạo đức là anh lầm. Thương mẹ là một vấn đề hưởng thụ. Mẹ như suối ngọt, như đường mía lau, như xôi nếp một mà anh không hưởng thụ thì uổng cho anh, chị không hưởng thụ thì thiệt cho chị. Tôi chỉ cảnh báo cho anh chị biết mà thôi. Để mai này anh chị đừng có than thở rằng : đời ta không còn gì cả. Một món quà như mẹ mà còn không vừa ý thì họa chăng có làm Ngọc Hoàng Thượng Đế mới vừa ý, mới bằng lòng. Nhưng tôi biết Ngọc Hoàng không sung sướng đâu bởi Ngọc Hoàng là đấng tự sinh, không bao giờ được diễm phúc có một bà mẹ.

         . Tôi kể anh nghe chuyện này anh đừng nói tôi khờ dại. Đáng lẽ chị tôi không nên đi lấy chồng và tôi không nên đi tu mới phải. Chúng tôi bỏ mẹ mà đi, người thì theo cuộc đời mới bên cạnh người con trai thương yêu, người thì đi theo lý tưởng đạo đức mà mình say mê và tôn thờ. Ngày chị tôi đi lấy chồng, mẹ tôi lo lắng tất bật, không tỏ vẻ buồn bã chi. Nhưng khi chúng tôi ăn cơm trong phòng, ăn qua loa để đợi giờ rước dâu, thì mẹ không nuốt được miếng nào. Mẹ nói : mười tám năm trời nó ngồi ăn cơm với mình, bây giờ nó ăn bữa cuối cùng này rồi nó sẽ đi ăn ở một nhà khác. Chị tôi gục đầu xuống mâm cơm, khóc. Chị nói : thôi con không đi lấy chồng nữa. Nhưng rốt cuộc chị vẫn đi lấy chồng. Còn tôi thì bỏ mẹ mà đi tu. “Cát ái từ sở thân” là lời khen ngợi người có chí xuất gia. Tôi không tự hào chi về lời khen đó cả. Tôi thương mẹ, nhưng tôi có lý tưởng, vì vậy mà phải xa mẹ. Thiệt thòi cho tôi, có thế thôi. Ở trên đời, có nhiều khi người ta phải chọn lựa. Mà không có sự chọn lựa nào mà không khổ đau. Anh không thể bắt cá hai tay. Chỉ khổ là vì muốn làm người nên anh phải khổ đau. Tôi không hối hận vì bỏ mẹ đi tu, nhưng tôi tiếc và thương cho tôi vô phúc thiệt thòi nên không được hưởng thụ tất cả kho tàng quý báu đó. Mỗi buổi chiều lạy Phật, tôi đều cầu nguyện cho mẹ. Nhưng tôi không được “ăn” chuối ba hương, xôi nếp một và đường mía lau.

         . Anh cũng đừng tưởng tôi khuyên anh: không nên đuổi theo sự nghiệp mà chỉ nên ở nhà với mẹ. Tôi đã nói là tôi không khuyên răn ai hết, tôi không giảng luân lý, đạo đức rồi mà. Tôi chỉ nhắc anh: “Mẹ là chuối, là xôi, là đường, là mật, là ngọt ngào, là tình thương”. Để anh đừng quên. Để chị đừng quên. Để em đừng quên. Quên là một lỗi lớn, nhưng cũng không phải lỗi nữa, mà là một sự thiệt thòi. Mà tôi không muốn anh chị thiệt thòi, do vô tình mà bị thiệt thòi, do khờ dại mà thiệt thòi. Tôi xin cài vào túi áo anh một bông hoa hồng : để anh sung sướng, thế thôi.

         . Nếu có khuyên anh thì tôi sẽ khuyên anh như thế này. Chiều nay khi đi học về, hoặc khi đi làm việc về, anh hãy vào phòng mẹ với một nụ cười thật trầm lặng và thật bền. Anh hãy ngồi xuống bên mẹ. Hãy bắt mẹ dừng kim chỉ, mà đừng nói năng chi. Rồi anh hãy nhìn mẹ thật lâu, thật kỹ để trông thấy mẹ và biết rằng mẹ đang sống và đang ngồi bên anh. Cầm tay mẹ, anh hãy hỏi một câu ngắn làm mẹ chú ý. Anh hỏi: “Mẹ ơi, mẹ có biết không?” Mẹ sẽ hơi ngạc nhiên và sẽ nhìn anh, vừa cười, vừa hỏi: “Biết gì?”. Vẫn nhìn vào mắt mẹ, vẫn giữ nụ cười trầm lặng và bền, anh sẽ hỏi tiếp: “Mẹ có biết là con thương mẹ không?” . Câu hỏi sẽ không cần được trả lời. Cho dù anh lớn ba, bốn mươi tuổi, chị lớn ba, bốn mươi tuổi thì anh cũng hỏi câu ấy, chị cũng hỏi câu ấy, em cũng hỏi câu ấy. Bởi vì anh, bởi vì chị, bởi vì em đều là con của mẹ. Mẹ và anh sẽ sung sướng, sẽ được sống trong ý thức tình thương bất diệt. Và ngày mai mẹ mất anh sẽ không hối hận, không đau lòng tiếc rằng anh không còn có mẹ nữa.

         . Đó là điệp khúc tôi muốn ca hát cho anh nghe hôm nay. Và anh hãy ca, chị hãy ca, em hãy ca cho cuộc đời đừng chìm trong vô tâm quên lãng. Đóa hoa màu hồng tôi vừa cài lên áo anh rồi đó. Anh hãy sung sướng đi.

2TỈNH THỨC Empty Re: TỈNH THỨC Fri Mar 15, 2013 11:13 pm

nttuyen



VIẾT MỘT BỨC THƯ ĐẦY TÌNH THƯƠNG
. ( Trích từ tác phẩm Bông hồng cài áo của Thích Nhất Hạnh )

. Ta có thể viết một bức thư để tưới hoa cha mẹ hay con cái. Ta có thể tưới tẩm những hạt giống tốt của hạnh phúc, từ bi, tha thứ và niềm vui. Ta gọi đó là sự thực tập tưới hoa có chọn lựa. Ta tưới hoa, đừng tưới rác, để hoa nở trong lòng người kia. Khi làm người kia nở nụ cười, ta cũng được lợi lạc. Kết quả của sự tu tập ấy sẽ đến không bao lâu khi ta nhận được nụ cười vì đã giúp người kia vui sống.

. Khi thương ai, ta có thể thực tập điều này cho người ấy. Đâu khó khăn gì để nhìn sâu và nhận ra những hạt giống tốt trong mỗi người chúng ta. Hạnh phúc không phải là một vấn đề cá nhân. Khi cha mẹ hay con cái hạnh phúc là ta cũng hạnh phúc. Vì vậy ta thực tập. Ta đem về lại nụ cười trên khuôn mặt người thương. Ta có thể làm điều đó. Ta đã sống lâu với một người và đã biết những yếu kém, những khả năng và những hạt giống tốt của người ấy, vậy sao còn do dự ?

. Nếu gặp khó khăn với cha mẹ hay con cái, bạn hãy dành thời gian ngồi một mình và viết bức thư cho người ấy. Bạn hãy dành ra ba tiếng đồng hồ đề viết thư với lời lẽ yêu thương. Khi bạn viết thư, hãy thực tập nhìn sâu vào mối quan hệ với người ấy. Tại sao việc chia sẽ với nhau lại trở nên khó khăn? Tại sao không còn hạnh phúc? Bạn có thể bắt đầu như thế này :
“ Con trai (hay con gái, hay cha mẹ) yêu quý, mẹ biết rằng con đã đau khổ nhiều trong mấy năm qua. Mẹ đã không giúp được con mà còn làm cho tình trạng xấu thêm. Nhưng mẹ không cố ý làm như thế. Có lẽ mẹ đã vụng về. Có lẽ mẹ đã áp đặt tư tưởng của mẹ vào vào và làm khổ con. Trong quá khứ mẹ nghĩ rằng con đã làm mẹ khổ , rằng sự khổ đau của mẹ là do con. Bây giờ mẹ mới nhận ra mẹ mới là người chịu trách nhiệm về sự đau khổ của chính mình, và cả của con nữa. Cũng như cha con, mẹ không muốn con đau khổ. Con hãy giúp mẹ. Con hãy nói ra những vụng về trong quá khứ để mẹ không làm khổ con nữa vì khi con khổ thì mẹ cũng khổ. Con trai (hay con gái, hay cha mẹ) thân yêu của mẹ.
“Mẹ con mình phải có hạnh phúc. Mẹ đã quyết tâm thực hiện điều này. Con hãy nói ra những điều con nghĩ trong tim. Mẹ hứa sẽ cố gắng không nói và không làm những điều khiến con khổ. Con cần phải giúp mẹ, nếu không, mẹ không làm được điều này. Mẹ không làm được một mình. Trong quá khứ, mỗi khi đau khổ mẹ có xu hướng trừng phạt con, hay nói những điều khiến con khổ. Mẹ nghĩ làm như vậy sẽ vơi nhẹ niềm đau, nhưng mẹ đã lầm. Mẹ đã nhận ra rằng những lới nói hay hành động của mình đã làm cho cả mẹ con ta cùng khổ. Mẹ đã quyết tâm không làm như vậy nữa. Xin con giúp mẹ”.

. Hãy dành ra ba tiếng đồng hồ, hay cả một ngày nếu cần, để viết một lá thư như vậy. Bạn sẽ thấy rằng, người đọc xong lá thư không còn là người khi chưa đọc nữa. Sự bình an, hiểu biết và từ bi đã chuyển hóa bạn. Một điều nhiệm màu có thể thực hiện được trong vòng hai mươi bốn tiếng. Đó là sự thực tập ái ngữ.

3TỈNH THỨC Empty TỈNH THỨC Wed Mar 06, 2013 11:13 pm

nttuyen



. Mục này đơn giản là để chia sẽ những bài viết , đoạn trích,... "ngộ" được sau khi đọc.

------

ĐẠO PHẬT CÓ PHẢI LÀ MỘT TÔN GIÁO ?
( Lược trích bài viết của Thích Huệ Đăng đăng trên báo Xưa và nay)

. Câu hỏi này ở đầu cửa miệng của nhiều người, nhất là những người Mát xít tôi từng quen biết. Tôi nghĩ rằng câu trả lời có hay không, phải hay không phải, tùy thuộc vào vấn đề chúng ta hiểu từ ngữ “tôn giáo”, một từ gốc phương Tây (religion) như thế nào ?

. Nếu định nghĩa tôn giáo, tức đạo, là con đường dẫn tới chân lý, giác ngộ và giải thoát, thì đạo Phật là một đạo giác ngộ và giải thoát đúng là tôn giáo. Vì bản thân Phật pháp đã từng được Đức Phật ví như một cái bè dùng để qua sông, hay ngón tay chỉ mặt trăng, nghĩa là như một phương tiện, chứ không phải là một cứu cánh, thì đạo Phật đúng là một tôn giáo như vậy. Khác với những giáo chủ của các tôn giáo khác, Đức Phật tự xem mình là “vị thầy chỉ bày con đường” (Margadata) , tức là con đường Bát chánh đạo đã dẫn tới giác ngộ và giải thoát , con đường đoạn trừ mọi khổ đau.

. Đạo Phật xa lạ với một Thượng đế cá nhân đầy quyền năng vô hạn. Đức Phật đến với loài người như một Con Người giản dị nhưng hoàn thiện, một con người đã được giác ngộ và giải thoát. Cũng vì Đức Phật không tự cho mình một quy chế Thượng đế hay một thần linh tối thượng, cho nên các tôn giáo thần quyền thường đánh giá đạo Phật là đạo vô thần (atheistic). Phật thường khuyên bảo học trò không nên tin lời Phật chỉ vì lòng kính trọng đối với Ngài, mà nên vì lời dạy của Phật đúng đắn, dẫn con người đến giác ngộ và giải thoát. Lời dạy của Phật không được xem như giáo điều, tuyệt đối phải tin tưởng. Lời dạy của Phật phải được chúng ta kiểm nghiệm qua thực tiễn như là người thợ vàng thử vàng vậy. Phật thường dạy học trò rằng một điều dù đúng hay sai không phải do quyền uy của vị đạo sư nói ra hay được ghi trong sách thánh như là thần khải. Đối với Phật, quyền uy và thần khải không phải là chân lý. Đối với đạo Phật tiêu chuẩn của chân lý là lý trí và sự kiểm nghiệm của cuộc sống. Khẳng định như vậy để nói nói rằng đạo Phật không phải là một tôn giáo, nếu tôn giáo nghĩa là chấp nhận giáo điều, là niềm lo sợ đối với cái thiêng liêng và siêu nhiên, là sự gửi gắm cả đời mình cho thần linh hay đấng tối cao … Nếu tôn giáo là như vậy thì đạo Phật sẽ không phải là tôn giáo, mà đúng hơn là một hệ thống triết lý và đạo đức dẫn con người tới cái Chân, cái Thiện, cái Mỹ.

. Nhưng nếu tôn giáo là một cái gì đó tạo cảm hứng cho con người hướng tới một cuộc sống tốt đẹp nhất, cao cả nhất, thúc đẩy con người tự hoàn thiện mình bằng một nỗ lực đạo đức không ngừng, nếu tôn giáo nâng con người vượt lên những nhu cầu vật chất tầm thường của cuộc sống thì đạo Phật là tôn giáo như vậy. ... Từ khi ra đời tại Ấn độ cách đây hơn 2500 năm, đạo Phật đã làm chấn động tận gốc rễ xã hội đẳng cấp lâu đời, buộc tất cả mọi tôn giáo và triết phái truyền thống phải xem xét lại cơ sở giáo lý của mình. Và sau khi vượt qua biên giới, nó trở thành một tôn giáo thế giới, đã chinh phục trái tim và khối óc của hàng triệu người, mở con đường du nhập vào ngay trong lòng những quốc gia đứng đầu thế giới về khoa học, công nghệ như Mỹ, Anh , Pháp,… . Bác học Albert Einstein đã nhận xét về đạo Phật: “Tôn giáo trong tương lai sẽ là một tôn giáo vũ trụ, nó phải siêu việt hơn một thượng đế cá nhân, tránh giáo điều và thần học; bao quát cả hai mặt tự nhiên và tâm linh. Nó phải dựa trên một ý thức tôn giáo nảy sinh từ sự thực nghiệm của mọi sự vật, tự nhiên và tâm linh, được quan niệm như một thể thống nhất có ý nghĩa. Phật giáo đáp ứng một mô tả như vậy. …”. Một nhà nghiên cứu tôn giáo người Pháp trong một bài đăng trên một đặc san nghiên cứu các tôn giáo của tờ Thế giới ngoại giao số ra tháng 11 và 12/1999: “Phật giáo chủ yếu là tôn giáo hiện đại: dành cho cá nhân, không giáo điều đạo đức, kết hợp thân với tâm. Phật giáo có nhiều cơ may phát triển tại các nước phương Tây, vì nó không đề xuất sự cứu rỗi, xuất phát từ bên ngoài, mà là một phương pháp thực tiễn để thoát khỏi đau khổ và đạt tới hạnh phúc, ngay tại thế giới này".

.Với tinh thần dân chủ và binh đẳng trong đạo Phật, không phải trong thời kỳ Phật giáo bộ phái ở Ấn Độ, mà ngay cả ở Trung Hoa, Nhật Bản, tổ chức Phật Giáo vẫn bao gồm nhiều giáo phái và hệ phái khác nhau, với những chùa chiềng, tu viện và thiết chế giáo dục của riêng các giáo phái và hệ phái đó. Ở Việt Nam tuy có một Giáo hội Phật giáo Việt nam thành lập năm 1981, thế nhưng hiến chương của giáo hội tôn trọng sự tồn tại trong phạm vi giáo hội của những giáo phái và hệ phái khác nhau, như Phật giáo Nam tông, hệ phái Khất sĩ, Phật giáo Khmer,…
… Đồng bào lương là tên gọi chỉ cho tất cả đồng bào theo đạo Phật, Nho, Lão hay bất cứ một tín ngưỡng bản địa nào khác. … Một người Trung Hoa, Nhật Bản hay người Việt Nam có thể theo cả đạo Phật, Nho, Lão và cả đạo Ông Bà nữa mà trong thâm tâm họ không bị chi phối về mặt tâm lý bởi những bài thuyết giảng nào khác. … Người Á Đông dù là ở Ấn Độ, Trung Hoa, Nhật Bản hay Việt Nam, chấp nhận tín ngưỡng đa thần giáo một cách tự nhiên, thông thoáng, có thể vì vậy mà họ cũng không có tư tưởng kỳ thị tôn giáo.. Tôn giáo nào cũng cung cấp một câu trả lời mà tín đồ tin là thỏa đáng đối với ý nghĩa của nhân sinh, của cuộc sống. Niềm tin của tín đồ có thể nông hay sâu, liên tục hay ngắt quãng, nhưng niềm tin đó phải có thì mới có tôn giáo, bởi lẽ niềm tin tôn giáo là động lực khiến tín đồ sống cả đời theo niềm tin đó. Điều đặc sắc của đạo Phật là sự kết hợp niềm tin với lý trí hay trí tuệ, càng hiểu biết sâu thì niềm tin tôn giáo càng vững. Còn tổ chức của giáo hội có chặt chẽ hay lỏng lẽo cũng không thành vấn đề. Thậm chí, có những tín đồ của Phật giáo, hay một tôn giáo nào khác, rất có thể không đi chùa, không chấp hành những nghi lễ nào đó do giáo hội quy định, nhưng họ vẫn là tín đồ tôn giáo theo đúng đòi hỏi lương tâm họ.

.Đức Phật thường dạy học trò mình rằng: “Không nên chấp nhận những lời dạy của Ta do lòng kính trọng, mà trước hết hãy kiểm nghiệm những lời dạy đó, như dùng lửa thử vàng vậy”. Phật dạy: “Một điều là đúng hay sai, không phải là quyền uy và thần khải” . Phật ví một tín đồ như một đoàn người mù, dẫn dắt nhau đi, người đi đầu không thấy gì hết, người đi cuối cùng không thấy gì hết. Phật cho rằng chấp nhận chân lý và giác ngộ chân lý là hai chuyện khác nhau. Giác ngộ chân lý như người nếm mật, còn chấp nhận chân lý mà không hiểu, thì cũng giống như người dùng thìa hứng mật, múc mật mà không nếm mật vậy.


.Cũng như thế, đơn thuần chấp nhận chân lý do uy quyền của người khác, dù người khác đó là bậc đạo sư, sẽ không có sự giác ngộ tâm linh, dẫn tới giải thoát tối hậu. Tuân thủ một truyền thống hay quyền uy, tự nó không có giá trị gì hết. Để được giác ngộ , học hỏi là cần thiết, nhưng sự học hỏi đó cần được bổ sung bằng thực nghiệm cá nhân . Tôn giáo luôn luôn là thực nghiệm qua cuộc sống như là vị thấy thuốc tốt nhất, qua thân tâm của mình như là cuốn sách quý nhất. Phật Giáo là như vậy.

Sponsored content



Về Đầu Trang  Thông điệp [Trang 1 trong tổng số 1 trang]

Permissions in this forum:
Bạn không có quyền trả lời bài viết